Để những "hiệp" sĩ tố cáo tham nhũng không còn đơn độc

Còn nhiều trường hợp người tố cáo tham nhũng chưa được bảo vệ thích đáng, bị trả thù, trù dập. Nạn nhân có thể là người dân, có thể là công chức, viên chức nhà nước - những người dám nói lên sự thật.

Còn nhiều trường hợp người tố cáo tham nhũng chưa được bảo vệ thích đáng, bị trả thù, trù dập. Nạn nhân có thể là người dân, có thể là công chức, viên chức nhà nước - những người dám nói lên sự thật.

Ông Hoàng Thái Dương, Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng - Ảnh: VGP/ Phương Liên

Tố cáo tham nhũng, tiêu cực và bảo vệ người tố cáo tham nhũng, tiêu cực là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Ông Hoàng Thái Dương, Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) đã dành cho Báo Điện tử Chính phủ cuộc trò chuyện cởi mở về vấn đề "nóng" này.

Ông Dương cho hay, đối tượng tham nhũng, tiêu cực muốn tồn tại được thì việc làm đầu tiên, sống còn của họ là phải che giấu thông tin, tài liệu liên quan đến hành vi phạm tội. Khi bị phát hiện và bị tố cáo thì thủ đoạn của họ thường là mua chuộc, hối lộ, đe dọa trả thù, thực hiện hành vi trả thù đối với những người phát hiện và tố cáo mình.

Hành vi này thường cũng rất tinh vi, thâm độc, bất chấp thủ đoạn. Thực tế cho thấy, trong những vụ việc khác nhau, nạn nhân có thể là người dân, có thể là công chức, viên chức nhà nước - những người dám nói lên sự thật.

Cơ sở pháp luật bảo vệ người tố cáo

Ông Hoàng Thái Dương khẳng định, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước liên quan đến hoạt động tố cáo tham nhũng, tiêu cực được ban hành thời gian qua ngày càng cụ thể, hoàn thiện hơn, là cơ sở quan trọng để các cơ quan chức năng triển khai thực hiện tốt hơn việc bảo vệ người tố cáo.

Thời gian qua, hệ thống các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng ngày càng hoàn thiện; việc tổ chức thực hiện bảo vệ người tố cáo được các cơ quan chức năng chú trọng hơn. Công tác đấu tranh với các biểu hiện bao che cho tham nhũng, hành vi trả thù, trù dập người tố cáo và những hành vi vu khống, tố cáo sai sự thật đã góp phần làm trong sạch bộ máy Nhà nước, giữ vững kỷ cương, pháp luật, tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/1/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7/2/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/2/2019 về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Trên cơ sở đó, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, ban cán sự đảng, đảng đoàn đã chỉ đạo chính quyền cùng cấp tập trung rà soát để kiến nghị cơ quan chức năng ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế, cụ thể hóa quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tố cáo tham nhũng, tiêu cực.

Quốc hội đã thông qua Luật Tố cáo năm 2018 (sửa đổi), Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 (sửa đổi), qua đó đã quy định cụ thể và khắc phục được nhiều bất cập trong các quy định về tố cáo tham nhũng, tiêu cực và bảo vệ người tố cáo. Cụ thể hóa Luật Tố cáo năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo. Nội dung Nghị định đã xác định rõ hơn trách nhiệm của người giải quyết tố cáo khi nhận được văn bản đề nghị áp dụng các biện pháp bảo vệ. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 22/2019/NĐ-CP ngày 25/2/2019 quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong công an nhân dân, trong đó quy định trách nhiệm cụ thể của người giải quyết tố cáo, thủ trưởng, cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân trong việc bảo vệ người tố cáo, người thân của người tố cáo.

Ngày 21/7/2020, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 03/2020/TT-BNV quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức.

Bộ Công an ban hành Thông tư số 145/2020/TT-BCA ngày 29/12/2020 quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí. Thanh tra Chính phủ đang tập trung xây dựng thông tư hướng dẫn thẩm quyền, trình tự, thủ tục bảo vệ bí mật thông tin và một số nội dung liên quan đến bảo vệ người tố cáo.

Chưa có biện pháp bảo vệ đặc biệt

Tuy nhiên, vừa qua, còn có trường hợp người tố cáo chưa được bảo vệ thích đáng, bị trả thù, trù dập, các hành vi trả thù chưa được phát hiện, xử lý nghiêm. Việc biểu dương, khen thưởng người tố cáo đúng chưa được quan tâm thỏa đáng khiến cán bộ, đảng viên và người dân chưa yên tâm, ngại đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng thẳng thắn chỉ ra một số “điểm nghẽn” về pháp luật như: Việc bảo vệ người tố cáo được quy định tại nhiều văn bản (Luật Tố cáo, Luật Phòng chống tham nhũng, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự…) nhưng còn thiếu đồng bộ.

Điều 48 của Luật Tố cáo năm 2018 quy định “Được bồi thường theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường Nhà nước trong trường hợp người tố cáo đã đề nghị người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ mà không áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc áp dụng không kịp thời, không đúng quy định của pháp luật, gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản, tinh thần cho người được bảo vệ”. Tuy nhiên, Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017 và các văn bản pháp luật liên quan khác chưa quy định cụ thể về vấn đề này nên gây khó khăn, lúng túng cho việc áp dụng để thực hiện bồi thường.

Ông Dương cho hay, một số quy định còn thiếu cụ thể, chậm được hướng dẫn chi tiết. Quy định về nhiệm vụ bảo vệ giữa các cơ quan chức năng chưa rõ ràng, cụ thể cho nên khi triển khai thực hiện gặp khó khăn.

Một số cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch hành động thực hiện chưa sát với tình hình thực tiễn, nhất là ở cơ quan được giao nhiệm vụ bảo vệ người tố cáo; công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong bảo vệ người tố cáo còn thiếu kịp thời, chặt chẽ.

Bên cạnh đó, ông Dương thông tin: Nhiều nơi mới chú trọng áp dụng các biện pháp bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo, chưa thực hiện các biện pháp bảo vệ đặc biệt. Vẫn còn trình trạng để lộ lọt thông tin người tố cáo.

Trên thực tế, hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát để phát hiện hành vi trả thù, trù dập người tố cáo và bảo vệ người tố cáo ở nhiều nơi chưa tốt. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát chuyên đề về nội dung này còn ít, chủ yếu lồng ghép với các nội dung khác; hình thức kiểm tra, giám sát chủ yếu là thẩm tra báo cáo của các cơ quan được kiểm tra, giám sát, cho nên hiệu quả thấp.

Không để xảy ra trường hợp trả thù, trù dập

Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) đưa ra 5 nhóm giải pháp để bảo vệ an toàn cho người tố cáo, nhằm khuyến khích người dân tham gia phát hiện, tố cáo các hành vi tham nhũng đạt hiệu quả tốt.

Theo ông Hoàng Thái Dương, việc cần làm là tiếp tục hoàn thiện thể chế, hoàn thiện tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp trong bảo vệ người tố cáo, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu và trách nhiệm các cơ quan phòng, chống tham nhũng.

Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ người tố cáo, nhất là pháp luật về tố cáo và Chỉ thị số 27/CT-TW, ngày 10/1/2019 của Bộ Chính trị. Chú trọng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi trả thù, trù dập người tố cáo, cũng như người có trách nhiệm, nhất là người đứng đầu để xảy ra tình trạng người tố cáo bị trả thù, trù dập.

Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, nhất là thanh tra, kiểm tra, giám sát chuyên đề thực hiện pháp luật về tố cáo để kịp thời uốn nắn, phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ được giao, để xảy ra tình trạng người tố cáo bị trả thù, trù dập.

Một việc rất quan trọng, theo ông Hoàng Thái Dương, là cần quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng. Có sự động viên, khen thưởng kịp thời người tố cáo đúng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong bảo vệ người tố cáo.

Cuối cùng, cần liên tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng trong công tác tuyên truyền, phát hiện, đấu tranh với những biểu hiện bao che hành vi tham nhũng, tiêu cực, hành vi trả thù, trù dập người tố cáo. Phải có hình thức ủng hộ, bảo vệ người tố cáo đúng, phê phán hành vi vu khống, tố cáo sai sự thật.

Một khi người tố giác tham nhũng, tiêu cực không còn “đơn độc”, cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ có nhiều cơ hội đẩy mạnh hơn nữa, ông Hoàng Thái Dương khẳng định.

Nhật Nam

0938 540 992
icons8-exercise-96 icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon